Đi tìm nguyên nhân của hội chứng sợ toán

Theo nghiên cứu, hội chứng sợ toán không chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của một cá nhân mà còn gây hiệu ứng lan truyền trong môi trường học tập.

Nếu bạn cảm thấy “toát mồ hôi” khi nghĩ đến các phân số hay phương trình toán học, thì bạn không hề cô đơn. Nghiên cứu cho thấy, hội chứng sợ toán, bao gồm những cảm xúc tiêu cực đối với môn toán, là hiện tượng được phát hiện trên toàn thế giới có thể làm suy giảm khả năng làm toán của người học.

Nếu một học sinh mắc hội chứng sợ toán thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân học sinh đó và cả các bạn cùng lớp. Theo tờ The Guardian, một nghiên cứu lớn và đa dạng văn hóa nhất từ trước đến nay đã chỉ ra rằng tại gần một nửa các quốc gia trên thế giới, hội chứng sợ toán không chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của một cá nhân mà còn gây hiệu ứng lan truyền trong môi trường học tập. Điều này không phụ thuộc vào mức độ lo lắng của từng học sinh với môn toán.

Phát biểu về tình trạng này, tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Nathan Lau tại Đại học Tây Ontario (Anh quốc) cho biết: “Trạng thái cảm xúc của các học sinh khác trong môi trường học tập cũng làm ảnh hưởng tới kết quả môn toán của trẻ. Vì vậy, giáo viên, phụ huynh và các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đến cả khả năng của trẻ mà và môi trường học tập mà trẻ đang theo học”.

Nhiều người mắc hội chứng sợ toán gặp cảm giác khó chịu khi phải đối diện với những phép tính, từ căng thẳng nhẹ đến sợ hãi tột độ. Một vài người còn có các triệu chứng như tim dập nhanh, đổ mồ hôi hay cảm thấy ốm. Những người này thường cố gắng né tránh toán học trong cuộc sống thường ngày và không theo đuổi các ngành học liên quan đến khoa học, công nghệ hay kỹ sư.

Để hiểu thêm về mối tương quan giữa hội chứng sợ toán và môi trường học tập, tiến sĩ Lau và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ 1.175.515 học sinh quốc tế tham gia khảo sát về kết quả học tập. Nghiên cứu được công bố trên trang Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy học sinh ở các quốc gia có mức độ lo âu cao với môn toán thường bị điểm thấp với môn học này.

Nguyên nhân lớn nhất gây ra hội chứng sợ toán là học sinh không tin tưởng vào khả năng của giáo viên. Theo nghiên cứu, những học sinh không tin tưởng vào khả năng của giáo viên thường cảm thấy lo lắng hơn khi đối diện với môn học này. Bên cạnh đó, số lượng bài tập về nhà nhiều và cách bố mẹ dạy con làm bài tại nhà cũng dẫn đến tình trạng lo âu ở trẻ với mức độ thấp hơn.

Tại một nửa các quốc gia được khảo sát, hội chứng sợ toán không chỉ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của một cá nhân mà còn gây hiệu ứng lan truyền trong môi trường học tập. Vì vậy, yếu tố bối cảnh cũng là nguyên nhân gây nên hội chứng sợ toán.

Tiến sĩ Lau cho biết: “Chương trình học tập càng cố định bao nhiêu, hội chứng sợ toán càng ít lan truyền bấy nhiêu. Nhóm nghiên cứu không khẳng định đây là một mối quan hệ nhân quả, nhưng có một giả thuyết là ở các quốc mà học sinh ít bị mắc hội chứng sợ toán, giáo viên có phương pháp dạy cố định hơn. Có thể các học sinh mắc hội chứng này thích học tập với chương trình cố định, ít ngẫu hứng với những việc như “bất thình lình” bị gọi lên trả bài”.

Giáo sư Margaret Brown, chủ tịch của tổ chức nghiên cứu về hội chứng sợ toán Maths Anxiety Trust cho biết: “Lần đầu tiên có nghiên cứu chỉ ra rằng hội chứng sợ toán không chỉ là vấn đề cá nhân làm ảnh hưởng đến kết quả môn học, mà còn liên quan chặt chẽ tới các yếu tố bối cảnh như sự tin tưởng của học sinh vào giáo viên, sự tự tin của giáo viên với khả năng của mình, số lượng bài tập về nhà và sự tham gia của bố mẹ khi dạy con làm bài tại nhà.

Hội chứng sợ toán ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Kết quả nghiên cứu ở Anh cho thấy học sinh cấp 2 bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hội chứng này và tác động từ nhà trường và gia đình đóng vai trò chủ yếu. Vì thế, kết quả học tập môn toán ở Anh có thể được cải thiện bằng việc thay đổi chương trình dạy học, phương pháp giảng dạy và hệ thống kiểm tra, đánh giá để học sinh, giáo viên và phụ huynh đỡ áp lực”.

Giáo sư Denes Szucs, phó giám đốc Trung tâm Khoa học thần kinh trong giáo dục, Đại học Cambridge (Anh quốc) cho biết: “Bằng minh họa rõ ràng, nghiên cứu đã khẳng định một số điều chúng ta biết về hội chứng sợ toán”. Đội ngũ của giáo sư Szucs gần đây đã phỏng vấn 1.700 học sinh ở Anh và thấy rằng nguyên nhân gây ra hội chứng này đến từ việc học sinh luôn nhận định toán là môn học khó so với các môn khác. Giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, học sinh mắc hội chứng sợ toán thường cảm thấy hoang mang bởi các phương pháp dạy khác nhau.

“Điều quan trọng bây giờ là tìm giải pháp khắc phục”, ông Szucs nhận định. Ở mức độ cá nhân, giáo sư khuyên các học sinh cần cố gắng trấn an bản thân và tự tin hơn với khả năng của mình. “Nghiên cứu ở Anh cho thấy những học sinh sợ toán không học kém mà chỉ cảm thấy lo lắng về môn toán. Có thể các em đã bị tác động bởi gia đình và nhà trường, nhưng đây là một nỗi lo không cần thiết”.

Hội chứng sợ toán là gì?

Hội chứng sợ toán thường được định nghĩa là “cảm giác căng thẳng và lo lắng gây khó khăn cho việc vận dụng các con số và giải quyết vấn đề liên quan đến toán học trong học tập và cuộc sống thường ngày”.

Mặc dù có nhiều số liệu khác nhau nhưng nghiên cứu cho thấy khoảng 2-6% học sinh trung học cơ sở ở Anh mắc hội chứng này ở mức độ nặng. 1/3 học sinh học nghề ở Anh mắc hội chứng ở mức “đáng lo ngại” và 19% học sinh có xu hướng lo âu nhưng không biểu hiện các dấu hiệu rõ ràng. Các học sinh nữ cũng có xu hướng lo lắng nhiều về môn học hơn là các học sinh nam và tình trạng này xảy ra bắt đầu từ độ tuổi vị thành niên.

Hội chứng sợ toán khác biệt với chứng khó học toán (dyscalculia), chứng bệnh gây ra những vấn đề của nhận thức trong việc hiểu các con số, diễn ra một cách cụ thể và dai dẳng. Tuy nhiên đôi khi hai hội chứng này cũng xảy ra đồng thời.

Hội chứng sợ toán không nhất thiết liên quan đến khả năng của người học. Một nghiên cứu vào năm 2018 chỉ ra rằng 77% học sinh mắc hội chứng này vẫn có thể đạt điểm cao trong môn học. Tuy nhiên, hội chứng có thể gây có khăn trong một vài tình huống và bối cảnh nhất định. Một nguyên nhân có thể lý giải cho hiện tượng này chính là những lo âu và ám ảnh có liên quan đến hội chứng sợ toán sẽ làm gián đoạn và ngăn cản các nguồn lực nhận thức cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề toán học.