Toán tiểu học – Học thế nào, lộ trình và các giải pháp

TOÁN TIỂU HỌC – HỌC THẾ NÀO, LỘ TRÌNH VÀ CÁC GIẢI PHÁP

Như đã hứa từ hè là thầy Minh sẽ có bài viết tư vấn, trao đổi về việc học toán ở cấp 1 và cấp 2. Nay xin trả bài với nội dung về cấp tiểu học. Bài viết dựa trên thực tế và kinh nghiệm giảng dạy cá nhân.

I. Dạy con cách xây dựng thời gian biểu và lên kế hoạch học tập

– Nhiều phụ huynh vẫn nói rằng, “con còn nhỏ, không ép học”. Điều đó không sai, song chúng ta cần hiểu, không ép không đồng nghĩa với buông lỏng, để các con chỉ biết đi chơi, xem hoạt hình, lướt ipad… Độ tuổi từ 5 – 10 tuổi có thể coi là độ tuổi hình thành thói quen, là cũng là độ tuổi dễ uốn nắn nhất. Cứ cho con chơi dài 3-4 năm, rồi đến lúc sức ì ngấm sâu rồi, liệu anh/chị có bảo con ngồi học được nữa không? Chưa nói đến trẻ con, với người trưởng thành như chúng ta, sau 1 đợt nghỉ dài (như nghỉ Tết), đến lúc quay lại làm việc cũng uể oải, lờ đờ. Nên chẳng có lý do gì 1 đứa bé đang tuổi ăn chơi lại được thả nổi để rồi sau này lúc nó quen được chơi rồi mới bảo “ngồi vào bàn học đi”. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ cần là người giúp các con biết cách lập lịch trình và kế hoạch, biết cách cân bằng giữa việc học, chơi và làm việc nhà.

– Tất nhiên, việc xây dựng được 1 thời gian biểu phù hợp với độ tuổi lớp 1, lớp 2 là không dễ. Điều đó tùy thuộc vào từng gia đình, và đòi hỏi phụ huynh phải có sự quyết tâm, kiên trì đồng hành cùng con. Em thấy có những trường hợp ban đầu thì háo hức lắm, in hẳn ra 1 bảng quy trình rất là khoa học dán ở nhà. Nhưng con chưa thực hiện được là mấy, bố mẹ đã nản trước và bảng quy trình đó cuối cùng trở thành trang trí. Về mặt cơ bản, chúng ta nên tạo cho các con những thói quen nền tảng như: khi nào thức dậy, lúc nào phải ngồi vào bàn ăn, mấy giờ con đọc sách, mấy giờ sẽ hoàn thành bài tập được giao,… Lịch trình này có thể sẽ thay đổi theo từng mốc khác nhau, nhưng những vấn đề cơ bản như vậy thì luôn luôn phải có sự nhất quán giữa bố mẹ và con cái.

Ví dụ như, thầy Minh đã từng đọc 1 bài viết nói về cách tỷ phú Chuck Feeney dạy con, trong đó ngay từ khi 6 tuổi, ông đã yêu cầu các con phải luôn tuân theo 1 quy trình cố định như: Thức dậy lúc 5h20 phút sáng, tập chạy bộ 30 phút quanh khuôn viên nhà. 6 giờ kém 10 trở về nhà, phụ cô giúp việc và đúng 6 giờ phải ngồi vào bàn ăn… (bài viết khá dài, lúc nào em sẽ tìm lại và chia sẻ sau)

– Khi các con lên lớp 4, lớp 5, lúc này việc có 1 kế hoạch bài bản và hợp lý là vô cùng cần thiết. Thường thì đây là thời điểm các con bắt đầu tham gia đi học thêm, và việc cân đối thời gian để đảm bảo giữa môn nọ môn kia là không đơn giản. Nếu phụ huynh không khéo léo trong chuyện này, việc các con bị quá tải, dồn ứ là khó tránh khỏi, và khi đó rõ ràng độ hiệu quả là không có.

Vậy, các môn học nên được phân bổ thế nào, là 1 bài toán cần được giải quyết ngay từ đầu.

II. Xác định mục tiêu và lộ trình học theo năng lực

Luôn có 2 luồng quan điểm: học thêm và không học thêm. Quan điểm thế nào, là tùy vào mục tiêu mà bố mẹ và các con muốn đạt tới. Theo thầy Minh thì:

1. Với lớp 1, 2: Các con chưa cần đi học thêm quá nhiều, đây là thời điểm việc rèn ý thức mới là điều phụ huynh cần lưu ý đến nhiều nhất. Nói về môn Toán, thì rõ ràng bố mẹ hoàn toàn kèm được con ở nhà, cứ đúng bài ở trường mà làm chứ không phải đưa đến thầy cô nào cả. Còn nếu các con làm bài ở trường nhanh, thì bố mẹ có thể tùy vào mức độ mà cho con làm thêm bài ở 1 số sách tham khảo (thầy Minh sẽ giới thiệu sau). Mỗi tối dành ra khoảng 30 – 40 phút học toán cùng con thì đảm bảo anh chị không có gì phải lo về kiến thức của con cả.

Còn nếu học thêm thì học gì, em nghĩ rằng độ tuổi này anh chị nên cho con tham gia các hoạt động thể thao, ngoại khóa, hoặc 1 khóa tiếng Anh cơ bản, thế là đủ.

2. Với lớp 3: Một giai đoạn quan trọng, mặc dù chưa cần thiết phải đi học nhiều nhưng cũng nên nghĩ đến việc “đầu tư”. Nếu các con bộc lộ được năng khiếu, sự yêu thích với môn Toán thì phụ huynh có thể cho con dần tham gia các lớp học bồi dưỡng, đào tạo nâng cao để nuôi dưỡng và phát triển khả năng của con. Thời điểm này, dù có đi học thì cũng xác định tư tưởng các con phải nhẹ nhàng, thoải mái; chủ yếu là bố mẹ luôn theo sát để đưa ra những điều chỉnh kịp thời, hạn chế tối đa việc o ép hay nhồi nhét.

Còn nếu phụ huynh xác định lúc này con chỉ cần nắm chắc cơ bản, thì vẫn đảm bảo lộ trình như ở lớp 1, lớp 2. Tuy nhiên, luôn cần nắm được kiến thức, khả năng của con đang ở mức nào để có giải pháp nếu cần.

Thực tế nhiều bạn học hết lớp 3 mà cộng trừ chưa thạo, không biết cách tóm tắt và vẽ sơ đồ, trong khi bố mẹ đang yên tâm vì “con vẫn được học sinh toàn diện”.

Khi con gặp những lỗ hổng về kiến thức ở lớp 3, cũng chưa có gì là to tát. Chỉ cần bố mẹ bình tĩnh, suy xét xem vấn đề nằm ở đâu, mỗi ngày từng bước học cùng con, tìm đúng điểm yếu của con để tháo gỡ. Nếu phụ huynh chưa tự tin, việc tìm đến các lớp học kiến thức cơ bản, các lớp dành cho học sinh còn yếu, học sinh trung bình cũng là 1 phương án tốt.

3. Lớp 4: Ok, đây là năm cực kỳ quan trọng và mọi đường đi nước bước gần như sẽ được quyết định ở năm học này. Nếu phụ huynh muốn con kết thúc tiểu học với 1 hành trang vừa vặn, vững chắc thì đừng bỏ qua năm lớp 4; còn nếu phụ huynh có kỳ vọng vào việc con sẽ có tên trong danh sách trúng tuyển của các trường chuyên, trường điểm thì càng không thể lơ là năm học này. Nói về môn Toán, thì lớp 4 là nơi tập trung hầu hết các dạng bài quan trọng nhất mà nếu chỉ cần sơ xuất một chút thôi, để lỡ mất kiến thức thì việc lấy lại là không hề đơn giản. Từ lớp 4 thì có thể nghĩ đến việc học thêm về môn Tiếng Việt. Mọi vấn đề phát sinh về tình hình học tập của các con thực chất đều bắt nguồn từ lớp 4, và lúc này vai trò của bố mẹ lại càng thêm cần thiết. Xác định được vai trò của năm học, vậy cần học như thế nào, phân bố thời gian ra sao? Thời điểm này, các con sẽ bắt đầu có áp lực, và việc tạo ra áp lực là cần thiết (tất nhiên ở mức độ vừa phải chứ không phải kiểu học nhồi đến hoa mắt chóng mặt ạ). Nhìn chung, dù học theo mục tiêu chắc cơ bản hay học nâng cao thì việc học Toán ở năm lớp 4 có một số điểm cần lưu ý như sau:

  • Học thêm chỉ cần 1 tuần 1 buổi, với thời lượng từ 2 – 2,5h.
  • Học đúng trình độ, theo hướng dẫn của thầy cô. Không ham hố, chạy đua theo những chương trình quá khó, vượt quá sức học của con.
  • Không nên học kiểu nhảy cóc, nay đây mai đó, hay học cùng lúc nhiều thầy cô khác nhau. Tiếp thu trọn vẹn kiến thức của 1 thầy là quá thành công rồi, hơn là đi học nhiều nơi dẫn đến mỗi chỗ biết 1 tý, rồi bài vở ngập đầu không có đủ thời gian giải quyết. Còn kiểu học nay chỗ này, mai chỗ kia thì thực sự không bao giờ có hiệu quả, rồi đến lúc các con sẽ chỉ có được trong đầu 1 hệ thống kiến thức rời rạc, hỗn tạp và thậm chí là trống rỗng.

Tất nhiên, để có được kết quả tốt, đòi hỏi sự kết hợp giữa gia đình và giáo viên, cần có thời gian và sự kiên trì theo định hướng. Chú ý thời gian tự học ở nhà, bố mẹ cần “khoán” rõ khi nào thì phải làm xong bài tập của thầy cô, sau đó kết hợp với việc làm thêm các bài tập trong sách tham khảo.

Với học sinh học theo chương trình nâng cao, với mục tiêu thi cử thì ngay từ lớp 4, nên tranh thủ rèn luyện dần qua chính các bài thi từ những năm trước (nguồn đề thi trên mạng có rất nhiều, anh chị Google là ra hoặc hỏi ngay chính thầy cô giảng dạy, chắc chắn thầy cô nào cũng có đủ). Điều này giúp con làm quen được với cấu trúc và dạng bài thi cũng như biết cách tối ưu thời gian. Với việc các kỳ thi vào cấp 2 gần như sẽ quay trở lại thì công tác chuẩn bị cần làm từ sớm chứ không phải chờ lên lớp 5 mới nghĩ tới. Nếu chúng ta để ý, thì sẽ thấy các đề thi vào lớp 6 dù là của Amsterdam, Archimedes hay Lương Thế Vinh … đều chiếm tới trên 60% nội dung các dạng bài lớp 4. Vậy thì ngay từ lớp 4, các con sẽ được học gần như đầy đủ các kỹ năng để xử lý bài thi và hãy tận dụng điều đó một cách tốt nhất.

4. Lớp 5: Là chặng nước rút … cũng là lúc mà các phụ huynh phải tính toán điểm đến cho các con khi vào cấp 2: trường công hay trường tư, đúng tuyến hay thi tuyển … Việc nắm bắt được sức học của con (qua lộ trình 4 năm như trên) cộng với sự tư vấn, định hướng từ chính thầy cô sẽ giúp các bố, mẹ đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất. Tùy vào đối tượng, mục tiêu mà con đường đi sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

Với học sinh có năng lực học toán tốt, đặt mục tiêu thi vào các trường Top đầu: Đây đa số là những học sinh đã được đầu tư và xây dựng được 1 lộ trình học tập từ những năm lớp 3, lớp 4; cũng như đã chứng tỏ được khả năng của bản thân. Lúc này, về cơ bản thì con đường đi ở lớp 5 vẫn không có nhiều thay đổi như em đã viết ở phần dành cho lớp 4. Vấn đề về kiến thức có thể sẽ không đáng lo, mà chủ yếu sẽ là tâm lý. Việc làm bài ở phòng thi sẽ khác hoàn toàn khi cầm bút viết ở nhà, cho nên bố mẹ cần có sự chuẩn bị thật tốt cho con, bởi vì “học tài thi phận” là điều vẫn luôn xảy ra, dù không ai mong muốn. Vậy cần phải làm gì để các con luôn trong thế chủ động và có 1 bản lĩnh vững vàng trước kỳ thi?

(1) Luôn trao đổi với thầy cô giáo về việc học của con một cách thường xuyên. Ít nhất 1 tháng 2 lần hoặc thậm chí là sau mỗi buổi học.

(2) Tôn trọng kiến thức và luôn có phương án dự phòng nếu con lỡ mất buổi học nào đó: Kiến thức lớp 4, 5 tương đối nặng, và học nâng cao ở mức độ thi chuyên, chọn thì khối lượng kiến thức 1 buổi học sẽ lại càng lớn lớn. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng “nghỉ 1 buổi thôi”, vì có khi 1 buổi đó sẽ mang lại những khó khăn ngoài ý muốn. Nếu phải nghỉ, bố mẹ cần liên hệ với giáo viên để được đề xuất, tư vấn về việc học bù hay được hướng dẫn cách tự học ở nhà, thay vì nghỉ là nghỉ luôn không cần biết thầy cô dạy cái gì.

(3) Đừng bao giờ tỏ ra căng thẳng hay thiếu kiên nhẫn trước 1 vấn đề nào đó con gặp phải: 1 ngày nào đó con bị điểm kém, hay không giành được kết quả cao ở 1 kỳ thi mà bố mẹ đăng ký, thì việc trách mắng các con là điều mà các bậc phụ huynh đừng nên làm. Thay vì như thế, cả nhà hãy cứ vui vẻ, động viên các con, cũng như cùng con trao đổi và rút kinh nghiệm. Đôi khi, vì không được như kỳ vọng mà bố mẹ “lỡ” nhiếc móc các con, thì em khẳng định là, dù chỉ 1 lần thôi nhưng những ấn tượng đó các con sẽ rất khó để quên, và mỗi khi làm 1 bài thi nào đó, trong đầu con sẽ chỉ có nghĩ đến việc, nếu làm không tốt thì bố mẹ sẽ mắng – thật sự rất không tốt. Chuyện này, chính học sinh đã tâm sự với thầy Minh, con nói rằng chỉ duy nhất 1 lần bị bố mắng vì thi IMAS không tốt mà con sợ tất cả các kỳ thi sau này, con sợ nếu mình lại không làm tốt lần nữa thì “mọi người sẽ quay lưng lại với con” – nguyên văn ạ!

(4) Gia tăng sự cọ xát cho con với các đề thi thật và đề thi thử: như em đã nói ở phần dành cho lớp 4, thì việc trực tiếp làm đề và luyện tập với chính các đề thi là rất cần thiết. Tất nhiên, đã là luyện đề thì phải tuân theo đúng các quy tắc mà đề thi đặt ra về mặt thời gian. Anh chị hãy tạo cho con 1 thói quen làm đề hàng tuần, bắt đầu từ việc làm 1-2 đề/tuần và tăng dần theo từng mốc thời gian khác nhau. Luôn tham vấn ý kiến của giáo viên để có được phương hướng chính xác nhất, tránh sa đà vào những đề thi không phù hợp với mục tiêu. Khi làm đề, cũng không nên dục tốc bất đạt. Dù con rất muốn thi vào Ams, thì hãy bắt đầu từ các đề của Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành… trước rồi mới dần dần tìm đến đề của chính trường Ams sau. Thậm chí, trong quá trình luyện đề, anh chị sẽ thấy được khả năng của con sẽ gần với mức độ thi của trường nào nhất, từ đó đưa ra những điều chỉnh cần thiết, tránh tình trạng ốp con vào những mục tiêu quá sức.

(5) Không ham hố và cho con tham gia vào những kỳ thi phong trào với mật độ quá dày đặc: Hiện nay, với việc các kỳ thi du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, hầu như quanh năm đều thi, thi và thi, tháng nào cũng thi. Vì vậy, việc lựa chọn kỳ thi nào là điều mà phụ huynh buộc phải cân nhắc, bởi vì cái gì nhiều quá cũng không tốt, và việc nay thi mai thi sẽ khiến các con nếu không bị áp lực đè nén thì cũng trở nên bão hòa, dẫn đến không xác định được đâu là mục tiêu chính của mình nữa. Thầy Minh sẽ lại có 1 bài viết riêng để tư vấn về việc nên tham gia những kỳ thi thế nào, và theo quan điểm của em, chỉ cần 3-4 kỳ thi giao lưu là đủ.

(6) Và cuối cùng, dù kỳ vọng con thi trường nào, thì mọi người hãy luôn nhớ rằng “Ams hay Cầu Giấy… không phải là ngôi trường tốt duy nhất”!

Với những học sinh có năng lực bình thường, không trội hẳn nhưng cũng không kém: Với các bạn này thì rõ ràng không nên quá dấn vào cuộc đua chuyên nọ chuyên kia làm gì, nếu có thì cũng xác đinh luôn từ đầu là để thử sức. Thầy Minh cho rằng, các con hãy làm sao để đảm bảo được 1 lượng kiến thức nền tảng chắc chắn, và việc vào lớp chọn 1 trường công nào đó ở cấp 2 là hoàn toàn khả thi. Và nếu thi thì cũng có rất nhiều lựa chọn vừa sức khi chúng ta có thể chọn Đoàn Thị Điểm, Archimedes, Lương Thế Vinh … – đều là những ngôi trường chất lượng và uy tín. Nhìn chung, những học trò diện này sẽ không cần quá áp lực trong việc học, nhưng cũng không bao giờ được chủ quan. Phụ huynh có thể tham khảo các nội dung (1), (2), (3), (4), (5) như trên và điều chỉnh mức độ sao cho phù hợp với sức học của con.

Với những học sinh học toán chưa tốt, thậm chí kém và mất gốc: Rất nhiều học sinh lên lớp 5 nhưng kiến thức và kỹ năng làm bài yếu, thậm chí gần như quên hết các dạng quan trọng của lớp 3, lớp 4. Nguyên nhân thì có rất nhiều, tuy không muốn “đổ lỗi” nhưng thực sự em phải nói phần đông các con như vậy là do người lớn (cả chủ quan và khách quan), trong đó có thể kể đến như:

(1) Chưa đánh giá đúng vai trò của môn học, buông lỏng con ở các cột mốc quan trọng, đặc biệt là lớp 4.

(2) Có cho con đi học nhưng thường xuyên nghỉ học, thậm chí nghỉ vô tội vạ, ít tương tác với thầy cô giáo: có nhiều phụ huynh nhắn cho thầy xin cho con nghỉ 2-3 buổi nhẹ nhàng như không mà chưa hình dung được những hệ quả kéo theo (chưa kể những người cho con nghỉ mà không có phép). Theo em, muốn con học không kém (chưa nói đến khá hay giỏi) thì chính bố mẹ cần nghiêm túc với việc học của con trước đã.

(3) Bố mẹ chưa có nhiều thời gian dành cho con, do bận công việc hay em nhỏ, hoặc do chưa có kinh nghiệm dẫn đến chưa biết cách hướng con vào 1 phương pháp học tập phù hợp.

(4) Quá tin tưởng vào điểm số ở trường (đối với em thì điểm ở trường giờ mang tính chất làm đẹp học bạ hơn là đánh giá năng lực).

Xác định được nguyên nhân từ đâu và khắc phục trước hết ở đó. Việc cần thiết lúc này là phải củng cố và lấy lại kiến thức căn bản cho con, kể cả việc phải học lại cả lớp dưới. Anh chị hãy tham khảo ý kiến của các giáo viên có kinh nghiệm để có thêm định hướng. Chắc chắn việc học tập của các học sinh thuộc diện này sẽ vất vả không kém gì các bạn khác, và nếu không thực sự kiên trì thì sẽ là quá khó để có thể hy vọng vào 1 sự thay đổi. Về các lộ trình học tập ở giai đoạn lớp 5, anh chị tham khảo ở mục viết dành cho lớp 4, bởi vì dù về danh nghĩa là lên lớp 5 nhưng thực chất các bạn này không khác gì việc phải bắt đầu ở lớp 4 (tất nhiên là không có nhiều thời gian vì chỉ còn 1 năm để chuyển cấp, nên mọi thứ phải thật chuẩn chỉ và triệt để).

III. Lựa chọn chỗ học như thế nào? Và nên tham khảo những đầu sách gì? (Thầy Minh sẽ viết ở phần sau…)