Theo chia sẻ của thầy giáo Trần Nhật Minh: Hiện nay có 2 loại phong cách Toán đó là Toán kiểu ta và Toán kiểu tây (thầy Minh dùng từ “phong cách”, chứ không dùng từ “toán tư duy” như 1 số người vẫn nói, đơn giản vì chẳng có loại toán nào mà không cần tư duy cả).
Toán kiểu ta, là những bài tập trung vào các phương pháp giải điển hình như Giả thiết tạm, Tính ngược, Tỉ số, Các bài tập về Chuyển động, Phần trăm …, và được phát biểu dưới câu từ quen thuộc… Còn toán kiểu tây là những bài toán được du nhập từ các kì thi nước ngoài như IKMC, IMAS, IMC, Apmops…, có cách hành văn mới mẻ, có chút lạ và được cài cắm thêm nhiều yếu tố hiện đại, ví dụ như bài sau:”Mèo Felix bắt được 12 con cá trong 3 ngày. Kể từ ngày thứ hai trở đi, mỗi ngày nó bắt được nhiều cá hơn ngày trước đó. Vào ngày thứ ba, nó bắt được số cá ít hơn tổng số cá 2 ngày đầu. Hỏi Felix bắt được bao nhiêu cá trong ngày thứ ba?”
Đứng trên góc độ chuyên môn, có thể thấy, toán của ta vẫn thiên về kỹ thuật, muốn giải 1 bài toán khó của ta thì đòi hỏi học sinh phải thành thục các phương pháp và sử dụng nhiều bước tính toán (điển hình là đề thi vào Ams chẳng hạn). Còn toán của tây lại tập trung vào khả năng quan sát, ước lượng, phán đoán; nếu đã bí thì bí luôn mà nếu làm được thì lại không cần tính toán nhiều, có khi chỉ 1-2 phép tính là xong.
Còn trên góc độ hình thức, nếu toán ta là 1 cô thôn nữ bình dân thì toán tây có thể coi là 1 tiểu thư đài các; các bài toán tây khi được đưa vào 1 đề thi thường có tính chất nịnh mắt người đọc rất cao, bởi cái mới, cái đặc thù của nó. Nhưng, đẹp thì liệu có tốt không, và như đã nói ở trên, việc tham gia vào các kỳ thi “Quốc tế” có giúp gì nhiều cho việc định hướng thi vào lớp 6 CLC?
1. Hãy nhớ, các bài toán tây là toán nhập khẩu, chứ không phải hàng nội địa
Với những kì thi như Kangaroo, IMAS, TIMO, IMC… những bài toán trong đó luôn mang những nét đặc trưng riêng. Nhưng giờ chúng ta nói đến trường Ams, Cầu Giấy, THCS Ngoại ngữ, Archimedes…; liệu các trường có tự biến mình thành 1 bản sao của những kì thi đó không, lại là 1 vấn đề rất đáng suy nghĩ. Nhìn vào đề thi lên lớp 6 các trường những năm qua sẽ thấy, đa phần các bài toán vẫn được ra dưới hình thức rất quen thuộc, thuần túy; thậm chí Ams vẫn ưa chuộng kiểu ra đề cơ bắp, nặng kỹ thuật. Vậy nếu chúng ta quá sa đà vào toán tây mà đến lúc thi vào 6, đề lại ra theo một phong cách khác thì ít nhiều sẽ có vất lợi.
2. Phong trào toán tây sẽ ảnh hưởng đến cách ra đề của 1 số trường top đầu, thì tỉ lệ sẽ là bao nhiêu?
Câu trả lời sẽ là không quá 20%. Đơn giản 1 điều, khi mà học sinh của chúng ta nhiều bạn vẫn đang đánh vật với Cấu tạo số, với phần trăm, hình học, chuyển động… còn không xong thì chẳng có lý do gì cứ suốt ngày làm những bài mèo Felix với chuột Jerry cả. Do vậy, khi học, chúng ta hãy cố gắng cân bằng tốt nhất có thể. Với các phụ huynh, hãy hỏi và nhìn vào chính con mình xem các con đã thành thạo các dạng toán cơ bản của ta chưa, hay cứ nói đến Toán chuyển động, Phần trăm là run? Toán nước ngoài rất hay, nhưng giờ là chúng ta phải thi, phải chọi thực sự để vào trường chứ không phải để “thi cho vui” như thi Kangaroo nữa.
3. Không phủ nhận vai trò và tác dụng của những cuộc thi như IKMC, IMAS, WMTC, …
Bỏ qua các vấn đề về tính thương mại hay khâu tổ chức đôi khi còn chưa chuyên nghiệp thì sự trải nghiệm mới mẻ và kích thích tư duy học sinh là có. Song, gia đình và các con cần biết chọn lọc, cân đối, xác định mục tiêu rõ ràng, tránh kiểu tham gia ào ào, cái gì cũng thi (quan điểm của thầy Minh là 1 năm chỉ nên tham gia dưới 3 kỳ thi giao lưu). Với những bạn giỏi sẵn, thì rõ ràng, học gì cũng được, toán chuyển động ok mà toán Úc, toán Canada cũng ổn. Nhưng với những bạn chưa phải xuất sắc, thì việc cân bằng kiến thức là vô cùng quan trọng, mà nếu các con quá sa đà vào 1 loại thì sẽ rất dễ bị mất phương hướng.
Theo thầy giáo: Trần Nhật Minh