NHỮNG ĐIỀU PHỤ HUYNH KHÔNG NÊN LÀM TRONG VIỆC ĐẦU TƯ HỌC TẬP CHO CON

Đã có nhiều bài viết thầy Minh chia sẻ các vấn đề mà phụ huynh “nên làm”, ở bài viết này thầy sẽ nói về những việc “không nên làm” trong việc học của con.

1. Cho con đi học quá nhiều chỗ, không duy trì được sự ổn định

Đây là điều đầu tiên mà các phụ huynh cần cố gắng tránh hoặc cực kỳ hạn chế. Việc thay đổi chỗ học nhiều lần, nay chỗ này, mai chỗ khác hoặc kiểu ôm đồm học cùng lúc mấy chỗ sẽ dẫn đến tình trạng đứt gãy/quá tải kiến thức, thiếu sự thống nhất, ổn định. Thậm chí tình hình có thể còn phức tạp hơn nếu xảy ra tình trạng xung đột bài vở giữa các chỗ học với nhau.

2. Cho con nghỉ học bởi những lý do không chính đáng

Thực tế thì trong quá trình học tập sẽ không thể tránh khỏi những lúc đột xuất (như ốm đau) khiến học sinh sẽ bị lỡ mất 1 buổi học. Tuy nhiên thì có những lúc nhiều bố mẹ lại xin cho con nghỉ bởi những lý do hết sức đại trà, đơn giản như con đi chơi, đi sinh nhật, con hơi mệt … Rồi trời mưa 1 tý cũng nghỉ, nắng tý cũng muốn nghỉ … Trong khi mỗi 1 buổi học có rất nhiều kiến thức, mà đặc thù các lớp học ôn thường là 1 tuần 1 buổi nên nếu nghỉ tức là việc gián đoạn bài vở của học sinh sẽ thành 2 tuần – dẫn đến việc đa số các con khi đi học lại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức mới và dễ bị tụt lại so với các bạn được đi học đầy đủ.

3. Xin cho con không làm/muộn làm bài tập về nhà

Việc làm và hoàn thành bài tập về nhà là cách để một học sinh có sự kế thừa những kiến thức trên lớp của thầy cô, đặc biệt với những lớp học có tính chất ôn luyện thi, học nâng cao thì việc làm bài tập càng trở nên quan trọng. Đôi khi có những phụ huynh nhắn cho thầy cô về việc miễn bài tập về nhà cho con vì con bận đi chơi với lớp, rồi bận ôn thi học kỳ … Thầy Minh cho rằng đúng ra phụ huynh nên hướng dẫn và rèn cho con cách sắp xếp thời gian học tập hợp lý, khoa học chứ không nên thỏa hiệp với việc bỏ bài tập về nhà của con như thế. Ở 1 góc độ nào đó, nếu vì những lý do như trên mà bỏ không làm bài tập thì cũng có thể hiểu là con và gia đình đang chưa thật sự coi trọng thầy cô và lớp học của thầy cô.

4. Ít tương tác với giáo viên

Cho con đi học, và muốn con học tốt thì cần sự kết hợp giữa gia đình và thầy cô. Đã qua rồi cái thời “trăm sự nhờ thầy”, ngày nay nếu chỉ dựa vào mỗi thầy cô mà bỏ qua vai trò của bố mẹ thì rất khó để 1 học sinh có thể tiến bộ. Có những trường hợp phụ huynh gần như giao phó hoàn toàn việc học của con cho thầy cô, cả nửa năm không có 1 chút liên lạc chủ động nào, thậm chí khi thầy cô gọi điện thông báo tình hình học tập của con thì ậm ờ cho qua hoặc lúc đó mới tá hỏa về việc sao con lại thế này, thế kia … Biết là mọi người đều rất bận, nhưng đầu tư học hành cho con cái chính là đầu tư cho tương lai, hy vọng các bố mẹ bớt chút thời gian để theo dõi, nhắc nhở con và có sự đồng hành cùng thầy cô.

5. Tin và bênh con một cách thái quá

Hành trình học tập của con trẻ cũng như bao hành trình khác, sẽ có lúc nọ, lúc kia. Giáo viên sẽ luôn là người dõi theo và cập nhật các vấn đề của con cho phụ huynh, từ việc con học hành tiến bộ hay những lúc con mắc lỗi, vi phạm kỷ luật… Tuy nhiên có những bố mẹ lại thể hiện sự bênh con, tin con một cách thái quá, chỉ tin vào lời của con mà không nghe trao đổi của thầy cô. Có nhiều bố mẹ còn viện lý lẽ là “trẻ con không biết nói dối” để coi đó là lý do con mình luôn đúng. Xin lỗi mọi người chứ với thầy Minh thì cái lập luận “trẻ con không biết nói dối” chỉ đúng với mấy cháu 3 tuổi thôi chứ cái tầm bắt đầu đi học ở trường thì nói thẳng ra nhiều cháu nói dối hơn cuội. Điều này từ thời bố mẹ các cháu đã có chứ đừng nói bây giờ. Nhiều cháu khi mắc lỗi, sợ bị thầy cô phản ánh nên sẽ có xu hướng tìm cách nói khác sự thật, hoặc nói giảm nói tránh đi với bố mẹ. Do vậy, bố mẹ các con cần bình tĩnh xem xét, tìm hiểu và tôn trọng ý kiến thầy cô chứ đừng bênh con chằm chặp, thái quá và mặc nhiên cứ con nói gì cũng coi là đúng.
Theo Thầy giáo: Trần Nhật Minh