Theo những thông tin mới nhất thì kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến sẽ có nhiều thay đổi quan trọng nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Sự thay đổi này yêu cầu thí sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả mặt kiến thức và kỹ năng. Vậy cụ thể những điểm mới trong kỳ thi năm nay là gì? Các sĩ tử cần lưu ý điều gì để đạt kết quả tốt nhất? Hãy cùng MathExpress tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Cấu trúc và số lượng môn thi
Kỳ thi năm nay sẽ thi theo Chương trình GDPT mới 2018, với những thí sinh học theo chương trình cũ 2006 chưa tốt nghiệp hoặc muốn thi lại để xét tuyển đại học vẫn sẽ được đảm bảo quyền lợi. Bộ Giáo dục Đào tạo có hai đề thi cho thí sinh học theo chương trình cũ và chương trình mới. Để đảm bảo thuận lợi, thí sinh thi chương trình khác nhau sẽ ở điểm thi khác nhau. Đối với những học sinh thi theo chương trình 2006 thì sẽ được thi tại những cái điểm thi khác so với các học sinh thi theo chương trình 2018. Mặc dù thi theo chương trình mới nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đề thi sẽ chỉ nằm trong chương trình đã học.
Căn cứ theo Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT quy định về các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như sau:
Điều 3. Môn thi
Tổ chức kỳ thi gồm 03 buổi thi: 01 buổi thi môn Ngữ văn, 01 buổi thi môn Toán và 01 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 02 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Như vậy, năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thành 03 buổi thi, gồm:
- 01 buổi thi môn Ngữ Văn
- 01 buổi thi môn Toán
- 01 buổi tổ chức bài thi tự chọn với 02 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Còn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 04 bài thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và tổ hợp (Khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh; hoặc Khoa học xã hội: Sử, Địa, Giáo dục công dân) và được chia thành 04 buổi thi.
So với những năm trước kỳ thi tốt nghiệp năm 2025:
- Giảm 01 buổi thi (năm 2024 thi 04 buổi thi, từ 2025 chỉ còn 03 buổi thi)
- Giảm 02 môn thi (so với năm 2024 phải thi 06 môn) và thí sinh được chọn 02 môn tự chọn trong số 09 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.

Tăng số lượng mã đề thi
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT “Để đảm bảo tính bảo mật và công bằng, mỗi môn tự chọn sẽ có 48 mã đề, tăng gấp đôi so với 24 mã đề như trước đây. Thí sinh sẽ được sắp xếp cố định trong một phòng thi duy nhất cho cả kỳ thi, dù môn lựa chọn khác nhau”
Việc thu bài sẽ theo phòng mà không cần phân loại theo môn. Giữ nguyên 24 thí sinh/phòng thi, 1 phòng thi có thể sắp xếp tối đa tới 5 môn.
Định dạng và phân bố đề thi
Đề thi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thông qua các câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học và xã hội. Việc tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế, đặc biệt trong những nội dung phân hóa, nhằm đánh giá đúng năng lực học sinh.
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ chia tỷ lệ kiến thức theo 3 cấp độ tư duy đó là: 40% ở mức độ biết, 30% ở mức độ hiểu và 30% ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Khó nhất là ở phần vận dụng chiếm 30% điểm số. Ngoài học ở trường, thí sinh cần nâng cao khả năng tự học, tự tìm hiểu. Các em cũng không nên quá lo lắng vì yêu cầu vận dụng sẽ chỉ ở trong chương trình học. Có thể thấy, với tỷ lệ biết và hiểu khoảng 70%, đề thi sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi hiểu và vận dụng khoảng 30% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH.
Một điểm mới quan trọng liên quan đến xét tốt nghiệp THPT là việc tính điểm xét tốt nghiệp chỉ còn 50% điểm thi tốt nghiệp THPT (các năm trước là 70%), còn lại 50% tính điểm từ quá trình 3 năm học THPT.

Thay đổi trong môn Ngữ văn
Đề thi môn Ngữ văn có thể sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, bao gồm các đoạn văn, thơ hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội. Điều này nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh việc học tủ, học thuộc lòng máy móc.
Chứng chỉ ngoại ngữ không còn bắt buộc, không được quy đổi thành điểm 10
Căn cứ quy định về môn thi Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT đã nêu trên thì thí sinh được chọn 02 môn tự chọn trong số 09 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12 bao gồm cả các môn ngữ Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn). Như vậy kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, Ngoại ngữ là một trong 02 môn tự chọn trong số 09 môn tính điểm còn lại của lớp 12 (bên cạnh Toán, Ngữ văn).
Hiện hành tại Điều 35 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi tại Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT) quy định thí sinh được miễn thi bài thi Ngoại ngữ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên theo khoản 2 Điều 39 Quy chế mới ban hành kèm Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT thì chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Và công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Thí sinh không còn được cộng điểm chứng chỉ nghề
Theo Quy chế mới, tại Điều 43 đã bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên từ kỳ thi năm 2025.
Thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn
Theo đó, Người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (đạt từ bậc 3 trở lên) được miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đối với người có đủ điều kiện miễn thi môn Ngữ văn nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngữ văn để tính điểm xét tốt nghiệp THPT.
(Điều 39 Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025)
Để nắm được tất cả các thông tin về lịch thi, hình thức thi, các quy chế thi, ….quý Phụ huynh và các em học sinh có thể theo dõi Hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại đây:
Lưu ý đối với các thí sinh
Bộ GD&ĐT đã công bố các đề tham khảo giúp thí sinh làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và cải thiện hiệu quả để đạt kết quả thi tốt nhất.
Đối với các thí sinh, để chuẩn bị kĩ lưỡng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các em cần thực hiện theo đúng kế hoạch dạy và học của nhà trường, hoàn thành toàn bộ chương trình và kiến thức lớp 12, hiểu rõ mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 đó là không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất. Vì vậy, các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.
Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng của các sĩ tử lớp 12. Các em cần sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi. MathExpress hy vọng rằng các em học sinh sẽ tự tin, đủ bản lĩnh để có thể hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Chúc các em đạt được kết quả như mong đợi!